Chủ Nhật, 14 tháng 4, 2013

Sự tích về Rượu Cần


Một ông cụ có hai người con dâu. Cụ muốn thử xem ai là người thông minh, đức hạnh. Cụ bảo:

- Bố đi ăn uống đã nhiều, nhưng chưa được ăn con vật gì mà thịt lại nằm trong xương, cũng chưa được uống loại nước gì chảy ngược cho ngọt ngào, ý vị. Các con cố tìm cho bố. Được ăn uống những thứ đó, bố mới khoẻ ra được.

Cô dâu cả nghĩ mãi, không hiểu là thức ăn thức uống gì. Cô dâu thứ hai cũng bí, hỏi chỗ này chỗ khác cũng không ai biết thức ăn ấy ra sao. Chị buồn rầu ra suối ngồi nghĩ. Bỗng chị nhìn thấy con ốc bên bờ suối. Thôi phải rồi! Con ốc, ruột trong mềm, vỏ ngoài cứng, thế chẳng phải thịt nằm trong xương sao? Bên bờ suối lại có ai đã cắm một cái vòi chuyền cho nước chảy ngược lên máng.

 Muốn nước chảy ngược cũng phải làm như vậy. Chị liền bắt một mớ ốc về nấu canh, múc một bầu nước, vót cái cần cắm vào bầu. Cứ để nước lã như thế thì chẳng có mùi vị gì, chị bỏ vào bầu vài nắm lá thuốc trong rừng. Đưa về nhà thì ông cụ đang đi vắng. Chị giấu kín các thức đã chuẩn bị, chờ bố về đưa nộp.

Người dâu cả đang nghĩ chưa ra cách, thấy em thứ giấu thì bực, liền lén bỏ vào bình một nắm bã trấu và tấm vụn. Không ngờ như thế lại làm cho bình nước thêm chất – Lá, trấu, tấm quện lại, lên men, hoá thành một thứ rượu ngọt. Ông bố ăn canh ốc rồi cầm cần hút. 

Đúng là nước thân nước thương chảy ngược và canh thịt nằm trong xương. Ông cụ khen nức nở, giao cả cơ nghiệp cho cô em. Và lịch sử xa xôi của bình rượu cần có từ đó  

Theo: tusachcongdong.com

Rượu Cần Núi rừng Tây Nguyên


 Rượu cần Tây Nguyên uống bằng cần. Rượu cần có nhiều thứ, ngon hay dở là do ở người làm cũng như các hợp chất có được đầy đủ hay không. Hiện nay, rượu cần không chỉ dành riêng cho các đồng bào Tây Nguyên, mà họ thường chế tạo, cất thành từng ghè (ghè hay ché là loại hũ cao để đựng rượu) chở đi bán tại các làng miền xuôi. Cho nên, người Kinh chúng ta nay cũng "khoái" uống rượu cần trong các tiệc tùng linh đình hay lễ, tết.

   Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết, thương yêu không có chuyện chén chú, chén anh, chén ông, chén bác... Mọi người cùng uống với nhau chung cần, trẻ, già, trai, gái nhâm nhi thịt trâu nướng mà không sợ mất vệ sinh.


Uống rượu cần là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý. Nhiều dân tộc Tây Nguyên làm rượu bằng cách dùng nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào cho ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít, phơi khô - sau đó đem giã nhuyễn thành bột đem trộn với gạo. Cho một ít nước vào rồi nắm lại thành một nắm lớn bằng cái bát (chén), ủ cho đến khi lên mốc trắng là được. Khi đã lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ hơn. Tất cả cho vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché bằng lá chuối khô. Rượu ủ ba ngày là có thể dùng được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Việc trộn trấu đòi hỏi cũng cần có tay nghề vì trấu có tác dụng khi cắm cần vào ché rượu, cần rượu không bị tắc. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng.

   Rượu ngon phải để trong chén quý. Khác với người M/ Nông chỉ dùng ít loại chén, thường là màu đen toàn thân bóng lộn và có dáng thấp; người Êđê có nhiều loại chén khác nhau về màu sắc và kích thước. Những chiếc chén Tuk và chén Tang là quý hơn cả, nhất là loại có màu trắng và màu xanh, thường có từ 3 đến 6 tai và càng to thì càng quý.

   Ngoài ra một số dân tộc còn có cách làm khác. Không dùng xôi ủ lên men mà dùng gạo rang đem ủ với men trộn nhiều riềng để có mùi thơm ngon hoặc dùng ngô, sắn là vật liệu rẻ nhưng loại này dễ bị chua nhưng nếu nấu không khéo dễ bị đắng, gây đau đầu.

Người theo dõi